Trẻ ở độ tuổi mầm non luôn được cha mẹ bảo bọc, chăm sóc từ cái ăn đến giấc ngủ. Do đó, nhiều cha mẹ cho rằng chưa nhận thức sự quan trọng trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ trong độ tuổi này. Tuy nhiên khi trẻ lớn lên, sự bao bọc của cha mẹ cũng dần mất tác dụng. Vì vậy, trang bị cho trẻ các kỹ năng sống để trẻ có thể tự lập là rất cần thiết. Ngoài ra, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ càng sớm càng tốt bởi trẻ luôn cần một thời gian học hỏi, trải nghiệm để thành thạo. Theeastwing.net đã tổng hợp những kỹ năng sống cho trẻ em mà các cha mẹ có thể tham khảo, áp dụng ngay.
Mục lục
- Kỹ năng sống là gì? Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non có cần thiết?
- Những kỹ năng sống cần thiết bố mẹ nên giúp trẻ rèn luyện ngay từ nhỏ
- 1. Dạy trẻ cách tự ăn, uống nước
- 2. Dạy trẻ học thuộc địa chỉ nhà, số điện thoại của bố và mẹ
- 3. Dạy trẻ tự chăm sóc bản thân (tự mặc quần áo, dọn dẹp đồ chơi…)
- 4. Dạy bé kỹ năng xử lý khi đi lạc
- 5. Yêu cầu con mạnh dạn hét to khi cần giúp đỡ
- 6. Hướng dẫn con ở nhà một mình an toàn
- 7. Yêu cầu trẻ tuyệt đối không được tin vào lời người lạ
- 8. Giáo dục đơn giản về giới tính và cách tránh bị xâm hại cơ thể
- 9. Dặn dò trẻ cách đi đường một mình an toàn
- 10. Hướng dẫn trẻ kỹ năng sống kết nối với bạn bè
- 11. Dạy trẻ biết bơi
Kỹ năng sống là gì? Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non có cần thiết?
Kỹ năng sống là một chuỗi các hành vi thể hiện khả năng thích nghi một cách hiệu quả của mỗi cá nhân trước các thách thức, đòi hỏi của cuộc sống hằng ngày. Con người tích lũy kỹ năng sống thông qua giáo dục, trải nghiệm và dùng các kỹ năng đó để xử lý các vấn đề thường gặp trong đời sống.
Bắt đầu rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ ở độ tuổi mầm non là cần thiết bởi vì:
- Giúp trẻ tự tin, năng động, tự lập hơn: Việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non sẽ giúp cho trẻ biết cách giao tiếp, cư xử đúng mực với người khác, biết cách xử lý các tình huống xảy ra bất ngờ một cách bình tĩnh, linh hoạt.
- Hòa nhập với môi trường mới tốt hơn: khi trẻ bắt đầu đi học tại các trường mầm non cũng là lúc trẻ tiếp xúc với hoàn cảnh mới, sinh hoạt cùng với nhiều bạn bè hơn. Khi được trang bị thêm những kỹ năng sống cần thiết, bé sẽ dễ dàng hoà nhập cùng mọi người hơn.
- Độ tuổi vàng để dạy con kỹ năng sống: Mầm non là độ tuổi giúp bé luyện tập những thói quen tốt cho quá trình phát triển thể chất lẫn tinh thần. Bởi vì con cần thời gian để tiếp thu và thực hành để các kỹ năng sống này trở thành một kỹ năng hữu ích. Do đó, để bé học thêm những kỹ năng sống cho trẻ từ lứa tuổi này, bé vừa có thời gian để rèn luyện, vừa nhận được sự kèm cặp của cha mẹ, sẽ giúp bé học nhanh và học đúng hơn.

Những kỹ năng sống cần thiết bố mẹ nên giúp trẻ rèn luyện ngay từ nhỏ
1. Dạy trẻ cách tự ăn, uống nước
Ông bà ta đã dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở.” Theo thứ tự này, học ăn là một trong những kỹ năng sống cho trẻ em đầu tiên mà các con cần phải làm quen.
Đầu tiên, bé cần được cha mẹ hướng dẫn cách tự ăn mà không cần ba mẹ, hay ông bà giúp đỡ, đút cho ăn như cách cầm muỗng, cách múc đồ ăn sao cho không rơi đồ ăn, cách cầm ly để uống nước,…
Khoảng 1-4 tuổi, khi con có thể ngồi vững trên bàn ăn cùng cha mẹ, hãy dạy bé phân biệt đồ ăn nào có thể ăn được? Món nào người lớn ăn được nhưng không dành cho trẻ nhỏ? Hoặc đâu là những món không thể lên cho vào miệng được?
Nếu cha mẹ cho bé đi nhà trẻ thì đây cũng là những kỹ năng bé được sớm làm quen tại trường. Tuy vậy, cha mẹ cũng nên bổ sung kèm cặp thêm để bé nhanh cứng cáp và tự lập.

2. Dạy trẻ học thuộc địa chỉ nhà, số điện thoại của bố và mẹ
Dạy trẻ ghi nhớ họ tên, số điện thoại của cha mẹ và địa chỉ nhà là vô cùng cần thiết để trẻ có thể tự tìm được sự giúp đỡ trong trường hợp không có cha mẹ hay người thân ở đó. Đừng ép con phải thuộc lòng ngay mà cha mẹ hãy kiên nhẫn hỏi con hằng ngày, lặp đi lặp lại những thông tin quen thuộc như “Con tên gì, nhà ở đâu, cha tên gì, mẹ tên gì, số điện thoại của cha mẹ thế nào…?” để con có thể ghi nhớ.
3. Dạy trẻ tự chăm sóc bản thân (tự mặc quần áo, dọn dẹp đồ chơi…)
Cha mẹ luôn chăm sóc cho các bé ở lứa tuổi mầm non về mọi mặt. Tuy nhiên, không vì vậy mà cha mẹ bỏ qua việc dạy kỹ năng tự chăm sóc bản thân cho trẻ. Hãy bắt đầu bằng việc giải thích cho bé về cách làm, làm thế nào cho đúng trước, sau đó để con tập làm rồi chỉnh sửa để con dần hoàn thiện hơn. Các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non mà cha mẹ có thể trau dồi cho con lúc này như đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân,…

4. Dạy bé kỹ năng xử lý khi đi lạc
Dạy kỹ năng sống là chuẩn bị cho trẻ các cách xử lý trong mọi trường hợp. Đi lạc cũng là một tình huống mà cha mẹ nên hướng dẫn cho bé cách làm thế nào nếu chẳng may gặp phải. Bằng cách kể chuyện, tạo ra những tình huống giả định để trẻ có thể hình dung ra tình huống mà bạn đang nói tới. Từ đó bạn đưa ra những cách xử lý cho từng trường hợp cụ thể.
Cha mẹ nên chú ý dùng từ ngữ tích cực và quan trọng là phải làm cho bé hiểu cần phải bình tĩnh trước mọi tình huống.
5. Yêu cầu con mạnh dạn hét to khi cần giúp đỡ
Trẻ la hét, khóc lóc thường hay bị la rầy, nhưng cha mẹ cũng nên nói với trẻ rằng, trong một số trường hợp, la hét hoặc khóc lóc lại là kỹ năng sống cho bé. Đó là khi có người lạ muốn dắt trẻ đi khỏi cha mẹ hoặc thầy cô, trường lớp. Cụ thể, hãy dạy con nói “cứu con với”, “con không biết cô/chú” hoặc bất cứ phản ứng mạnh mẽ nào để chống đối lại người lạ, nhằm mục đích gây sự chú ý đến những người xung quanh. Khi đó, những người xung quanh khác sẽ nhận thấy sự khác thường và can thiệp, hoặc bé có thể chạy ngay đến cầu cứu người lớn gần đó.

6. Hướng dẫn con ở nhà một mình an toàn
Thông thường cha mẹ sẽ luôn tìm người để trông trẻ giúp nhưng nếu trẻ đã lớn, có thể tự ở nhà một mình thì cha mẹ hãy chuẩn bị cho bé một số kỹ năng để an toàn khi ở nhà.
Dạy trẻ cách sử dụng những vật dụng trong gia đình để phục vụ nhu cầu của bé. Ví dụ, các phụ huynh nên dạy con cách lấy nước ở bình, mở tivi, bật quạt, tắt đèn khi không sử dụng,… Điều này sẽ giúp bé sự dụng đúng cách và an toàn.
Cảnh báo với trẻ những vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Trẻ con luôn tò mò với mọi thứ xung quanh nên đôi khi, chúng vô tình đặt mình vào các mối nguy hiểm trong nhà. Hãy dạy trẻ tránh xa các vật dụng nguy hiểm như dao, kéo, bếp gas, ổ điện, bật lửa, cánh cửa,… hoặc các nơi nguy hiểm như ban công, hành lang, góc cạnh bàn ghế, những chỗ cao,… Đừng quên chỉ rõ cho trẻ mức độ nguy hại của các vật dụng, vị trí đó để trẻ hiểu mà không cố gắng khám phá.
Đồng thời, cha mẹ nên dạy trẻ những kỹ năng cần thiết khi xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ, chập điện,… như rời khỏi hiện trường, hô hoán kêu gọi sự giúp đỡ từ người khác,…
7. Yêu cầu trẻ tuyệt đối không được tin vào lời người lạ
Sự ngây thơ, dễ bị dụ dỗ của trẻ em chính là “miếng mồi ngon” cho những kẻ xấu lợi dụng. Do vậy, cha mẹ cần dạy trẻ phải luôn cảnh giác với người lạ. Nếu trẻ ở nhà một mình, dặn trẻ tuyệt đối không mở cửa cho bất kỳ người lạ nào. Đồng thời, dạy trẻ tuyệt đối không rời khỏi nhà cùng người lạ hay nhận bất cứ đồ gì từ họ.
Cha mẹ có thể mở tivi bật âm thanh để kẻ xấu tưởng rằng có người ở nhà. Hoặc dạy bé có thể vờ gọi cha mẹ để kẻ xấu tưởng có người lớn ở nhà và bỏ đi. Đồng thời, sẽ không thừa khi dạy bé trong trường hợp bị đối tượng lạ tấn công hoặc cảm thấy nguy hiểm mà không kịp gọi cho cha mẹ, hãy hét thật to để nhờ hàng xóm hoặc người lớn ở gần đó giúp đỡ.

8. Giáo dục đơn giản về giới tính và cách tránh bị xâm hại cơ thể
Không ít trường hợp các bé bị kẻ xấu xâm hại nhưng không nói với cha mẹ cũng như nhận biết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề do bé chưa có kiến thức về cơ thể mình. Nhiều cha mẹ lầm tưởng rằng đây là chủ đề nhạy cảm, chưa thích hợp để giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non thì giáo dục giới tính cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Và ở từng độ tuổi khác nhau, trẻ sẽ tiếp cận với những khái niệm, kiến thức khác nhau. Cụ thể,
- Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ chỉ cần dạy bé biết tên gọi của từng bộ phận trên cơ thể. Đối với bộ phận sinh dục, hãy chỉ rõ đâu là địa điểm thích hợp để chạm vào các vùng riêng tư. Dặn con không được phép cho ai nhìn hay sờ chạm và những bộ phận này, ngoại trừ cha mẹ khi tắm cho bé, bác sỹ khi khám bệnh và phải có mặt cha mẹ ở đó.
- Từ 2 – 5 tuổi, trẻ cần được biết khi nào được phép chạm vào người khác và ngược lại. Cha mẹ nên giải thích sâu hơn về khu vực vùng kín, hướng dẫn bé cách bảo vệ khu vực này và cách làm vệ sinh.
- Từ 6 – 8 tuổi, bé cần được giáo dục về những thay đổi của cơ thể khi dậy thì; cách trẻ sơ sinh được tạo ra như thế nào ở mức độ đơn giản.
- Nhóm 9 – 11 tuổi là thời điểm thích hợp để biết cụ thể hơn thế nào là tình dục và hoạt động tình dục an toàn.
9. Dặn dò trẻ cách đi đường một mình an toàn
Hằng ngày, trẻ đều tham gia giao thông đường bộ. Vậy nên việc dạy trẻ cách đi đường an toàn là một trong những kỹ năng sống quan trọng, sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều.
Một số nội dung chính cha mẹ cần hướng dẫn trẻ từ nhỏ như:
- Luôn đi trên lề đường hoặc vỉa hè nếu đi bộ
- Tuân thủ, chấp hành theo tín hiệu đèn hoặc điều khiển của CSGT.
- Hướng dẫn trẻ cách sang đường
- Không đuổi bắt nhau, không dàn hàng ngang, không vượt đèn đỏ,…

10. Hướng dẫn trẻ kỹ năng sống kết nối với bạn bè
Đừng nghĩ rằng đến khi đi học, làm việc nhóm thì con mới cần học kỹ năng sống kết nối, giao lưu. Ngay từ nhỏ, con đến trường, tiếp xúc với bạn bè, vậy làm thế nào để con hòa đồng với bạn? Làm thế nào để con và bạn có thể chơi chung đồ chơi, đều đòi hỏi kỹ năng kết nối, giao tiếp của bé. Vì thế, bạn hãy khuyến khích và tạo điều kiện để con chơi cùng, làm việc chung với bạn bè xung quanh. Đừng quên hỏi trẻ hôm nay con đi học thế nào để nghe bé kể về những trải nghiệm. Từ đó cha mẹ có thể can thiệp và hướng dẫn trẻ cách giao tiếp, cư xử đúng đắn hơn.
11. Dạy trẻ biết bơi
Bơi lội là một trong những kỹ năng sống nên được bố mẹ quan tâm hướng dẫn cho bé càng sớm càng tốt. Bởi càng tiếp xúc sớm, trẻ càng dễ dàng thành thạo kỹ năng này. Không chỉ phát triển chiều cao, tăng cường sức khỏe mà bơi lội còn là kỹ năng sinh tồn cho bé. Vậy nên các phụ huynh hãy dành thời gian để đưa các bé đi bơi đều đặn nhé.
Đầu tư vào kỹ năng sống cho trẻ là cha mẹ đã đầu tư cho con những hành trang quý giá mà dù ở hoàn cảnh nào con cũng có thể sử dụng được. Vì vậy các cha mẹ hãy kiên nhẫn và đào tạo đầy đủ những kỹ năng sống cho trẻ để trẻ có thể phát triển tự lập, mạnh mẽ hơn.